In trang: 


Tập huấn Luật khám chữa bệnh số 15/2023/QH15

Đăng ngày:1/23/2024 3:19:36 PM bởi admin

Tập huấn Luật khám chữa bệnh số 15/2023/QH15, Nghị định số 96/NĐ-CP ngày 30/12/2023 và Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Tập huấn Luật khám chữa bệnh số 15/2023/QH15, Nghị định số 96/NĐ-CP ngày 30/12/2023 và Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 09/01/2023, Quốc Hội đã ban hành Luật khám bệnh chữa bệnh số 15/2023/QH15 với nhiều điểm mới liên quan đến cơ sở khám chữa bệnh, người hành nghề, khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ y tế. Để đội ngũ cán bộ y tế Trung tâm Y tế thị xã Sông Cầu nắm vững nội dung và quy định của Luật, đặc biệt là những nội dung mới so với Luật khám chữa bệnh số 12/VBHN-VPQH hiện hành, Trung tâm Y tế thị xã Sông Cầu đã tổ chức 02 lớp tập huấn Luật khám chữa bệnh số 15/2023/QH15, Nghị định số 96/NĐ-CP ngày 30/12/2023 và Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Các học viên tham gia lớp tập huấn là toàn bộ nhân viên y tế của hệ điều trị và đại diện Trạm Y tế vào ngày 15 và 16/01/2024.

Ảnh 1: Toàn cảnh buổi tập huấn

Phát biểu tại lớp tập huấn, BS Trần Trọng Đệ - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ hy vọng các học viên sau buổi tập huấn sẽ được trang bị đầy đủ về Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Một số nội dung quan trọng đã được quy định chi tiết.

Ảnh 2: BS Trần Trọng Đệ - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ phát biểu tại lớp tập huấn.

Quy định mới trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hành nghề:

- Thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh đã có thay đổi, trong đó rút ngắn thời gian thực hành đối với bác sĩ từ 18 tháng xuống còn 12 tháng, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y rút ngắn thời gian thực hành từ 9-12 tháng xuống còn 6-9 tháng, quy định cụ thể nội dung thực hành.

- Hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đã được giảm bớt và đơn giản hoá, trong đó, đã bỏ phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ, thay thế lý lịch cá nhân bằng sơ yếu lý lịch tự thuật, không bắt buộc xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã trong sơ yếu lý lịch.

- Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề được thực hiện từ 1/1/2027 đối với bác sĩ, từ 1/1/2028 đối với y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Với 3 chức danh hành nghề mới bao gồm: dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng đã được quy định cụ thể về thực hành, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp phép hành nghề đã được quy định cụ thể để thực hiện cấp giấy phép hành nghề từ 1/1/2024, tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề từ 1/1/2029 theo lộ trình của Luật. Trong giai đoạn từ khi Luật có hiệu lực đến thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, đối tượng thuộc diện cấp giấy phép hành nghề sẽ được cấp phép mà không phải qua kiểm tra đánh giá năng lực. Người hành nghề đã được cấp chứng chỉ hành nghề trước đây không phải kiểm tra đánh giá năng lực theo quy định của Luật.

- Đối với cấp giấy phép hoạt động và quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được bổ sung, điều chỉnh, trong đó có một số loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới như: phòng khám bác sĩ y khoa, phòng khám y sỹ, phòng khám liên chuyên khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, cơ sở kính thuốc có thực hiện đo kiểm tra tật khúc xạ, cơ sở lọc máu… Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đã có sự điều chỉnh, tháo gỡ một số khó khăn và đồng thời giải quyết nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

- Khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh lưu động đã được quy định cụ thể, đặc biệt quy định cụ thể điều kiện, danh mục bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa là một điểm mới trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được cụ thể hoá.

- Phân cấp chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định với các tiêu chí đánh giá cụ thể, chi tiết theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Điểm nổi bật trong quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP là xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dựa vào năng lực chuyên môn, năng lực hỗ trợ kỹ thuật, năng lực đào tạo thực hành và năng lực nghiên cứu khoa học. Việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật không phụ thuộc vào cấp hành chính mà hoàn toàn căn cứ vào năng lực chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. - Quy định liên quan đến đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là căn cứ pháp lý cho việc đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc từng dịch vụ kỹ thuật, tạo điều kiện cho việc áp dụng, thừa nhận các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc nước ngoài, ra đời các tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới:

- Theo quy định của Luật, chỉ có 2 loại kỹ thuật mới, phương pháp mới, đó là kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam hoặc lần đầu tiên áp dụng trên thế giới. So với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, quy định mới đã giới hạn chỉ bao gồm 2 nhóm thuộc kỹ thuật mới, phương pháp mới so với 3 nhóm trước đây (bao gồm cả kỹ thuật mới, phương pháp mới đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh).

- Quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới, thử nghiệm lâm sàng thiết bị y tế cũng đã được quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho việc đưa các kỹ thuật mới, phương pháp mới, thiết bị y tế mới vào Việt Nam hoặc được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam có quy trình, hồ sơ, thủ tục chặt chẽ, áp dụng phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Nghị định quy định về quản lý thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể là quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng thiết bị y tế trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, yêu cầu đối với quản lý, sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, thay thế vật tư linh kiện, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế. Nghị định cũng cho phép ưu tiên xử lý trước một số trường hợp đối với hồ sơ đăng ký lưu hành thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế để giúp đẩy nhanh, bảo đảm nguồn cung phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Một trong những nội dung đã được bổ sung vào Luật và Nghị định là vấn đề huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là những quy định tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong thực tiễn chống đại dịch COVID-19 trong những năm vừa qua, cụ thể hoá Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Đối với các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Các điều kiện liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm, quy định về tài chính, cơ chế hỗ trợ cho một số đối tượng ưu tiên, xã hội hoá đã được cụ thể hoá một số nội dung: vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế (đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân loại tự chủ nhóm 1, 2 và 3). Quy định về xã hội hoá trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, quy định mua trả chậm, trả dần và mượn thiết bị y tế, vấn đề tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Các quy định cụ thể về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, kinh phí cho hoạt động cấp cứu ngoại viện, một số chi phí trong chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh, nuôi dưỡng đối với người bệnh không có thân nhân, người tử vong không có người nhận tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ảnh 3 Các ý kiến phát biểu tại buổi tập huấn

Cũng tại buổi tập huấn, các học viên tham dự đã đưa ra những câu hỏi xoay quanh các nội dung có sự đổi mới theo Luật khám, chữa bệnh được áp dụng thực hiện từ 1/1/2024. Theo đó, những vướng mắc của các học viên đã được trao đổi, thảo luận và đưa ra những giải đáp phù hợp để việc thực hiện Luật khám, chữa bệnh mới trong thực tế được triển khai dễ dàng, nâng cao chất lượng trong quá trình khám và điều trị bệnh.

Cùng với quy trình chuyên môn, y đức, thái độ giao tiếp ứng xử, Luật khám chữa bệnh chính là xương sống để các cơ sở y tế cũng như cán bộ nhân viên y tế theo sát thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân. Thông qua lớp tập huấn, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế Trung tâm đã chủ động cập nhật các nội dung, quy định mới của Luật khám bệnh chữa bệnh số 15/2023/QH15. Từ đó nâng cao ý thức trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong hoạt động khám chữa bệnh. Góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân trong thời gian tới khi Luật khám bệnh chữa bệnh số 15/2023/QH15 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Nguồn tin: trung tâm Y tế


© 2016, Bản quyền thuộc về TRUNG TÂM Y TẾ SÔNG CẦUIn trang: